Điều kiện vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp tại Việt Nam

Theo quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành, doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam có thể vay vốn nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Điều kiện chung

Bên đi vay được phép vay nước ngoài để phục vụ các mục đích sau đây:

-                  Thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài của của Bên đi vay hoặc của doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp (chỉ áp dụng với trường hợp vay trung, dài hạn nước ngoài).

Trong trường hợp thứ hai, giới hạn mức vay của Bên đi vay trên tổng kim ngạch vay phục vụ phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đó tối đa không vượt quá tỷ lệ góp vốn của Bên đi vay trong doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn.

Các phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định có liên quan của pháp luật Việt Nam và phù hợp với phạm vi giấy phép thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư của Bên đi vay hoặc của doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp.

-                  Cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài của Bên đi vay mà không làm tăng chi phí vay.

foreign loans

Doanh nghiệp phải đảm bảo rằng thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết bằng văn bản trước khi thực hiện giải ngân khoản vay và không trái với quy định của pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, đồng tiền vay là ngoại tệ, doanh nghiệp chỉ có thể vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam trong các trường hợp: 

-                  Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô; 

-                  Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận được chia bằng đồng Việt Nam. Nguồn lợi nhuận này thu được từ hoạt động đầu tư trực tiếp của Bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại Bên đi vay; 

-                  Các trường hợp khác khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chấp thuận căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp.

Việc sử dụng cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam hoặc trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp Việt Nam phát hành để thế chấp cho Bên cho vay hoặc các bên có liên quan, Bên đi vay phải đảm bảo tuân thủ các quy định về chứng khoán, về tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp Việt Nam và/hoặc các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, pháp luật cho phép các bên tự thỏa thuận về chi phí vay nước ngoài. Khi cần thiết phải điều hành hạn mức vay nước ngoài, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước các quyết định một số vấn đề sau: Quyết định việc áp dụng điều kiện và chi phí vay nước ngoài; Quyết định và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ.

  • Điều kiện bổ sung

-                  Đối với khoản vay ngắn hạn tự vay, tự trả là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn đến 1 năm, Bên đi vay không được vay ngắn hạn cho các mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn.

-                  Đối với khoản vay trung và dài hạn tự vay, tự trả là khoản vay không được Chính phủ bảo lãnh có thời hạn trên 1 năm. Điều kiện:

+                Nếu là dự án đầu tư sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư: số dư nợ vay trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) phải nhỏ hơn hoặc bằng phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư và vốn góp ghi nhận trên giấy chứng nhận đầu tư.

+                Nếu việc thực hiện các dự án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư không được cấp giấy chứng nhận đầu tư thì số dư nợ vay trung, dài hạn nhỏ hơn hoặc bằng tổng nhu cầu vốn vay tại phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, đối với khoản vay ngoại tệ, doanh nghiệp cần chú ý những khoản vay thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng Nhà nước, bao gồm:

-                  Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài;

-                  Khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên01 (một) năm;

-                 Khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời Điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kểtừ thời Điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

Việc đăng ký phải được thực hiện trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ:

-                  Ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài trung, dài hạn hoặc ngày ký văn bản bảo lãnh trong trường hợp Khoản vay có bảo lãnh hoặc ngày ký thỏa thuận rút vốn bằng văn bản trong trường hợp các bên thỏa thuận việc rút vốn trên cơ sở thỏa thuận khung đã ký và trước khi thực hiện rút vốn;

-                  Ngày ký thỏa thuận gia hạn Khoản vay nước ngoài ngắn hạn thành trung, dài hạn;

-                  Ngày tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên đối với khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời Điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên

Nếu vi phạm việc đăng ký khoản vay, doanh nghiệp có thể phải chịu mức phạt từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng.